Giới thiệu về du lịch Uông Bí
Thành phố Uông Bí nằm ở phía tây tỉnh Quảng Ninh, có Quốc lộ 18A, quốc lộ 10, đường thuỷ, đường sắt quốc gia chạy qua, là cửa ngõ của tỉnh Quảng Ninh nối liền thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng, các tỉnh miền Duyên hải Bắc bộ với thành phố Hạ Long. Uông Bí có diện tích đất tự nhiên 256,3km2, 80% đất đai là đồi núi, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và chia thành ba vùng: Vùng đồi núi phía Bắc có đỉnh núi Yên Tử cao 1.068m. Vùng giữa, núi đồi thấp dần thành một cánh đồng trung du. Vùng phía Nam đất trũng thành những bãi bồi liền xuống dòng sông Đá Bạc.
Uông Bí được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trên địa bàn hiện có 29 Di tích lịch sử văn hóa, danh thắng gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của Dân tộc. Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá đặc biệt của Quốc gia, là trung tâm Phật giáo của cả nước, có giá trị lớn về văn hoá lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết với quần thể di tích nhà Trần của Đông Triều, Quảng Yên và các di tích nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử thuộc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Các điểm du lịch sinh thái Hồ Yên Trung, Lựng Xanh, Thung lũng hoa Yên Tử cùng hệ thống sông ngòi, hồ đầm bao quanh với nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại tổng hợp; vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Hàng năm, các lễ hội mang màu sắc của Phật giáo như Hội xuân Yên Tử, Hội chùa Ba Vàng hoà đồng với các Lễ hội mang tín ngưỡng dân gian đầu xuân đậm nét văn hoá làng quê Việt Nam như lễ hội Đình Lạc Thanh; lễ hội Đền Hang Son; lễ hội Đình Đền Công... tạo nên những giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc đã và đang được quan tâm đầu tư để kết nối các điểm, hình thành các tour du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, sinh thái trên địa bàn. Với tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan kỳ thú hòa quyện cùng di tích lịch sử, văn hóa đã tạo niềm đam mê khám phá đối với du khách khi đến với thành phố Uông Bí.
1. Lễ hội Yên Tử
Cứ mỗi độ xuân về, vào ngày 10 tháng giêng hàng năm, Yên Tử tưng bừng tổ chức Lễ khai hội. Lễ hội Yên Tử hàng năm đón hàng triệu lượt khách thập phương về đây hành hương lễ Phật, chiêm bái cõi tâm linh tam Tổ Trúc Lâm và hưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của danh sơn Yên Tử.
Du khách về với non thiêng Yên Tử sẽ thấy Chùa Trình (nằm ngoài quốc lộ 18A), là chùa đầu tiên trong hệ thống chùa Yên Tử, từ đây du khách hành hương qua chùa Suối Tắm, Chùa Cầm Thực, Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, với 10 km để đến với khu trung tâm di tích danh thắng Yên Tử. Đây là một vùng đất “Địa linh”, một danh lam thắng cảnh hội tụ hồn thiêng sông núi, là mạch sống linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm, một đỉnh cao sáng tạo của Phật giáo và triết học ở Việt Nam, đã được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.
Hơn 700 năm qua, danh sơn Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức Hoàng Đế anh hùng Trần Nhân Tông. Sau hai lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi năm 1285 và năm 1288, Ngài đã truyền ngôi cho con, từ bỏ lầu son điện ngọc xuất gia về Yên Tử tu hành với pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà, đạo hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ và đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc dân tộc, trở thành đạo Phật của quốc gia Đại Việt và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Đến với Yên Tử, du khách được tìm hiểu lịch sử hệ thống di tích gồm 10 ngôi chùa, hàng trăm Am tháp, hàng ngàn di vật, cổ vật quý có giá trị lịch sử cao gắn liền với sự tồn tại và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Dấu tích thời Trần đặc sắc nhất là lăng Quy Đức và tháp Huệ Quang, trong tháp có tượng đá và xá lị Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, quanh có tường xây bằng gạch và lợp ngói mũi hài kép thời Trần. Khu di tích Yên Tử là kết tinh, hội tụ của nền văn hoá dân tộc với kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn văn hoá của các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Từ chùa Giải Oan lên đến Chùa Đồng, du khách được chiêm ngưỡng đường tùng cổ kính với hơn 200 cây tùng 700 tuổi; bia Phật, tượng An Kỳ Sinh thiên tạo, chùa Đồng cao 1.068m so với mặt nước biển; Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (được khánh thành ngày 3/12/2013 tức ngày 01 tháng 11 năm Quý Tỵ); thác Ngự Dội, nền am Hoa, am Dược, am Thiền Định... gắn liền với những huyền thoại về vua Trần Nhân Tông. Từ đỉnh non thiêng Yên Tử hoặc trên ca bin cáp treo, du khách được ngắm toàn cảnh khu Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, mây bay, rừng trúc, mai vàng, cảm nhận đầy đủ hơn về sự hùng vĩ của non thiêng Yên Tử, về Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và giá trị lịch sử, văn hoá của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
2. Điểm du lịch sinh thái Hồ Yên Trung
Điểm du lịch sinh thái Hồ Yên Trung nằm ở phía tây Thành phố, trên địa bàn phường Phương Đông, cách Trung tâm Thành phố 6km, cách chân núi Yên Tử (Chùa Giải Oan) 10 km. Từ quốc lộ 18A đi theo đường Yên Trung 500m thì tới điểm du lịch sinh thái Hồ Yên Trung. Nơi đây có phong cảnh đẹp và thơ mộng, hồ nước quanh năm xanh mát. Hồ nằm trọn trong một thung lũng đồi bao quanh. Phía bắc hồ là dãy núi cao, phía Nam là những đồi thấp. Bốn phía bao quanh hồ, các ngọn đồi đều được trồng thông, xen kẽ dưới những gốc thông là những bụi sim, mua khoe sắc càng làm tăng thêm vẻ thơ mộng cho cảnh đẹp nơi đây. Giữa hồ nổi lên hai hòn đảo, một lớn, một nhỏ gọi là đảo con Quy.
Toàn bộ phong cảnh hồ nhìn trên cao ta sẽ thấy gần như một số 8 khổng lồ. Từ nơi dừng chân, du khách có thể xuống thuyền bơi ra đảo. Đứng từ đảo con Quy lớn nhìn lên bờ phía nam, phía bên trái Hòn Ngọc là núi Mắt Rồng, bên phải là Hòn Nóc (con Sóc) cùng với con Quy ở giữa chầu lên. Có thể nói hồ Yên Trung là một điểm đến hấp dẫn và lý tưởng cho du khách đến tham quan, vãng cảnh trong tuyến du lịch Yên Tử - hồ Yên Trung - hồ Công viên - Lựng Xanh - Ba Vàng.
3. Du lịch tâm linh sinh thái Ba Vàng
Chùa Ba Vàng nằm trên địa bàn phường Quang Trung, cách Trung tâm Thành phố khoảng 4km, nằm cạnh khu du lịch sinh thái Lựng Xanh, với hệ thống giao thông đường bộ mới được đầu tư, rất thuận tiện cho du khách di chuyển trong tuyến du lịch Yên Tử - hồ Yên Trung - hồ Công Viên - Ba Vàng - Lựng Xanh. Đến với khu di tích, danh thắng chùa Ba Vàng, du khách sẽ được thăm các công trình kiến trúc lớn, các đồi thông bao quanh. Tại đây, du khách có thể nhìn bao quát toàn bộ trung tâm Thành phố, hướng ra xa là sông Bạch Đằng.
Hội chùa Ba Vàng bắt đầu diễn ra từ ngày 08 tháng giêng (âm lịch) hàng năm. Ngày chính hội cũng là ngày sinh nhật của vị sư tổ đầu tiên của Chùa - Thiền sư Tuệ Bích Phổ Giác. Chùa là nơi thờ Phật, nơi hành đạo của các tăng ni, phật tử, bên cạnh đó Chùa cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hoá, các nghi lễ tôn giáo - tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của đông đảo nhân dân trong vùng và các nơi lân cận.
Di tích chùa Ba Vàng nằm trên một vị trí địa lý hết sức đẹp và hiếm có, mặt bằng rộng rãi, tiền cảnh phong quang là nơi hội tụ linh khí của vùng đất Uông Bí. Chùa được đầu tư với quy mô lớn, nhiều công trình kiến trúc đồ sộ. Với những giá trị trên, chùa Ba Vàng được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng “Di tích lịch sử văn hoá” năm 2007.
4. Điểm du lịch sinh thái Lựng Xanh
Cách trung tâm Thành phố hơn 4km về phía bắc là điểm du lịch sinh thái Lựng Xanh, trên địa bàn phường Quang Trung, tiếp giáp với điểm du lịch tâm linh sinh thái Ba Vàng. Lựng Xanh có dòng suối trong xanh bắt nguồn từ lưng chừng núi Ba Vàng chảy quanh co, uốn lượn, quanh các hẻm núi với ba tầng thác tuyệt đẹp.Từ đầu nguồn cho tới thác thứ nhất dài khoảng 300m. Làn nước từ trên cao 10m đổ xuống vách đá nhô ra tạo thành một tấm lụa nước trắng xoá.
Thác nước thứ hai và thác nước thứ ba, từ trên cao 15m, dòng nước dội vào các gờ đá, rơi xuống những hòn đá cuội lớn trồi lên tạo thành một bức tranh hùng vĩ, nên thơ. Từ ba dòng thác nước dồn về tụ lại thành một lựng nước rộng, tạo thành một bể bơi tự nhiên trong xanh vì vậy nhân dân quanh vùng từ lâu đặt tên là Lựng Xanh.
Đến với Lựng Xanh, du khách được đắm mình trong cảnh đẹp của thiên nhiên, trong làn nước xanh tươi mát, đã một lần đến thì không thể nào quên. Cùng với di tích chùa Ba Vàng, khu vực này trở thành một điểm đến lý tưởng của du khách gắn du lịch tâm linh với du lịch sinh thái.
5. Khu dịch vụ Thương mại hai bên sông Sinh - hồ Công Viên
Khu dịch vụ thương mại hai bên sông Sinh - hồ Công Viên là một trong những cảnh quan đẹp của Thành phố. Với các công trình kiến trúc Lầu Vọng Nguyệt giữa hồ, gần đó là Nhà hát và Trung tâm dịch vụ thương mại văn hoá thể thao Thành phố, chợ Trung tâm, các khách sạn, nhà hàng phục vụ lưu trú, ẩm thực, mua sắm. Biểu tượng Thành phố là một điểm nhấn của thành phố Uông Bí nằm bên cạnh hồ Công Viên với các hoạ tiết, hoa văn đều đạt độ tinh xảo. Công trình được thiết kế với một tháp hình bút cao 32m làm bằng chất liệu bê tông phun kẽm, mô tả chủ đề Thành phố quá khứ, hiện tại và tương lai gồm ba phần chính: Phần đế của biểu tượng là mô phỏng con tàu chở thành phố Uông Bí vượt qua bão táp phong ba, sát cánh cùng nhân dân vươn lên trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá; phần thân của biểu tượng là ngôi chùa Đồng (Yên Tử) cái nôi của thiền phái Trúc Lâm và bánh xe công nghiệp mô tả nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; phần trên cùng của biểu tượng thể hiện sức trẻ của Thành phố hiện đại. Nơi đây đã và đang trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn với người dân thành phố Uông Bí cũng như khách du lịch. Là nơi thích hợp để du khách đi bộ, dừng chân nghỉ ngơi, vãng cảnh và thưởng thức không khí trong lành bên hồ Công Viên và dòng sông Sinh thơ mộng.
6. Lễ hội Đình Đền Công
Đình Đền Công trên địa bàn xã Điền Công, cách trung tâm Thành phố 7km về phía nam, bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Với hệ thống giao thông thuận tiện, du khách dễ dàng di chuyển để tới thăm Đình Đền Công, Miếu Cu Linh, những địa danh làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm xưa, gắn với vãng cảnh sông Uông thơ mộng, các đầm nuôi trồng thuỷ sản, rừng ngập mặn, nét văn hoá sinh hoạt, thưởng thức các món thủy hải sản, sản phẩm nông nghiệp của nhân dân địa phương miền sông nước.
Lễ hội Đình Đền Công được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng giêng hàng năm. Đình mở hội khai xuân tế lễ cầu mong cho một năm mới thu hái được nhiều tài lộc. Đình được làm trên gò đất nơi phát hoả hiệu lệnh của chiến trận Bạch Đằng. Đình là nơi thờ Thành hoàng của làng Điền Công, gồm các vị thần: Trần Hưng Đạo là Thượng đẳng thần và năm vị Tướng quân đã giúp Trần Hưng Đạo làm nên đại thắng Bạch Đằng là: Cao Sơn, Quý Minh, Nam Hải Tôn Thần, Phi Bồng Tướng quân, Bạch Thạch Tướng quân. Đình Đền Công là nơi lưu niệm danh nhân và là nơi lưu niệm sự kiện vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta “Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288”. Ngôi đình mang tên là "Đền Công" thể hiện tấm lòng nhân dân nơi đây đền đáp công ơn các vị Anh hùng dân tộc đã có công dẹp giặc ngoại xâm cứu dân, cứu nước. Năm 2012, đình Đền Công được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt (nằm trong cụm di tích lịch sử Bạch Đằng).
7. Lễ hội Đình, nghè, chùa Lạc Thanh
Giáp trung tâm Thành phố, đình Lạc Thanh nằm giữa khu Lạc Thanh, phường Yên Thanh, đây là ngôi Đình cổ thuộc tổng Bí Giang xưa còn lại cho đến ngày nay, Đình được xây dựng vào thời Hậu Lê. Đình thờ 12 vị Thành hoàng, trong đó có 02 vị là Cao Sơn và Quý Minh được thờ tại Đình, còn 10 vị được thờ tại mười nơi khác nhau, mỗi vị trông coi, cai quản một xứ, nhân dân gọi đó là Nghè.
Lễ hội chính của Đình được diễn ra vào ngày 14, 15 tháng 3 âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ, nghi thức rước Thành hoàng từ các nghè về Đình dự hội, đây là lễ hội có nhiều đoàn rước nhất trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian ở Quảng Ninh. Với các nghi lễ: Lễ nhập tịch, lễ an vị Thành hoàng tại Đình, lễ tế Thành hoàng, nghi thức giao điệt, nghi thức đấu vật tượng trưng…thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, ước vọng của nhân dân về cuộc sống thanh bình no đủ, hạnh phúc.
Cụm di tích đình, nghè, chùa Lạc Thanh xây dựng để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng đã có công với làng xã và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Di tích đình, nghè, chùa Lạc Thanh được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng cụm di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2011.
Đến với Lễ hội Đình, nghè, chùa Lạc Thanh, du khách sẽ được hoà mình vào lễ hội tín ngưỡng dân gian, tìm hiểu lịch sử vùng đất cổ Lạc Thanh xưa và nét sinh hoạt văn hoá của nhân dân địa phương hôm nay.
8. Lễ hội Đền, chùa Hang Son
Lễ khai hội Đền, chùa Hang Son được tổ chức ngày 06 tháng Giêng hàng năm. Đến với Hang Son - phường Phương Nam, du khách được tìm hiểu lịch sử, thăm quan các danh thắng đẹp của Hang Son. Cách trung tâm Thành phố 20km về phía tây nam, du khách có thể di chuyển bằng đường bộ hoặc đường thuỷ trên dòng sông Hang Mai thơ mộng, với 2 bên bờ là vùng sản xuất tập trung vải chín sớm của phường Phương Nam.
Đền Hang Son thờ Thánh Hang Son - Bát Hải Đại Vương. Tên Hang Son còn mang dấu ấn của Trần Hưng Đạo khi ngài đưa quân về đây mai phục, tích trữ lương thảo chuẩn bị cho trận đánh quân Nguyên Mông trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288. Đến thế kỷ XVI, nhân dân quanh vùng đã góp công, của dựng thêm Phật điện và từ đó đền Son mang tên Chùa Son là sự kết hợp Phật giáo với tín ngưỡng của nhân dân.
Đây là động do thiên nhiên tạo nên, nằm cạnh một nhánh của sông Bạch Đằng, gồm một dãy núi cao, đủ các hình dáng. Nơi đây sơn thuỷ hữu tình, cảnh đẹp nên thơ, ngày xưa từng là nơi du ngoạn của các vua, quan các triều đại phong kiến Việt Nam. Hiện nay, đang thu hút đông đảo du khách về tham quan vãng cảnh chiêm bái cửa Phật, tưởng nhớ công đức Anh hùng dân tộc.
Phía trong hang tạo hình vòm và thắt lại ở phía trên trông giống như một gác chuông, phía bên trái của hang có một vòm nhỏ được gọi là Vọng Cung. Phía trong cùng của Vọng Cung có một vòm nhỏ được gọi là Cung cấm, cạnh đó có một lối nhỏ đi xuống phía dưới được gọi là Cửa xuống địa ngục và một lối nhỏ đi lên và thông trên đỉnh núi gọi là Cửa lên thiên đường.
Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hang Son được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định bảo vệ năm 1999.
9. Chùa Phổ Am
Chùa Phổ Am nằm trên địa bàn phường Bắc Sơn, cách trung tâm Thành phố 4 km. Chùa được xây dựng ở chân núi Duật Vân vào thời Lê Dụ Tông, nằm trên mảnh đất cao, thoáng mát, sáng sủa mang yếu tố dương. Xa xa trước cửa Chùa có dòng sông Uông uốn lượn tạo ra yếu tố âm. Âm dương kết hợp tạo ra muôn loài, do vậy trong Chùa cây cối quanh năm tươi tốt, khắc thêm cho Chùa cảnh linh thiêng, huyền bí làm tôn kính nơi cửa Phật.
Theo truyền thuyết kể lại: Vua Trần Nhân Tông lên tu ở núi Yên Tử, Ngài đã từng đi qua đây, thấy nơi đây cảnh rất đẹp, núi sông hài hòa ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, Ngài đã quyết định đặt tên núi đó là núi Duật Vân.
Chùa là nơi Thờ Phật đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân quanh vùng.
* MÓN NGON UÔNG BÍ
1. Món canh gà và rượu bâu của người dân tộc Dao
Gà chặt nhỏ đem ướp với gừng, hành khô, 1 miếng địa liền và gia vị vừa vặn trong vòng 10 phút, sau đó bắc lên bếp đun nhỏ lửa cho săn thịt, lắc đều rượu bâu đổ sâm sấp thịt rồi đun nhỏ lửa tiếp cho đến chín vừa. Canh gà ăn nóng với vị thơm của gừng, địa liền hấp dẫn du khách, khiến ai từng ăn món canh gà của người Dao không thể quên.
2. Món măng trúc Yên Tử
Măng trúc Yên Tử có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như nấu canh, xào, nướng, luộc...Sau khi lấy măng rửa sạch nếu luộc hoặc nướng thì để cả cây măng, đối với món xào có thể thái thành từng lát mỏng hoặc cắt khúc nhỏ đập dập rồi đem xào với thịt bò, thịt dê…Thêm các loại gia vị như cần tây, tỏi tươi và hạt tiêu. Măng trúc ăn ngọt, không có vị hăng, đắng như nhiều loại măng khác.
3. Món bún tôm
Tôm làm bún là loại tôm vừa phải, vỏ tôm được lột đi, lấy độc cái cùi tôm để tẩm ướp hương vị và xào qua cho săn chắc. Những thân dọc mùng đã tước vỏ, xanh mướt, thái từng đoạn đều răm rắp. Bún đặt sẵn, ráo nước, trắng mịn. Nồi nước dùng sôi lăn tăn, ngọt lừ, nhấp nhánh những ánh vàng bóng mỡ. Tất cả làm một bát bún thơm phưng phức, điểm thêm một lát quất hay một ít dấm thanh, một ít tương ớt và ăn kèm với món rau sống thì càng tuyệt.
4. Cơm chay Nàng Tấm
Nhà hàng cơm chay Nàng Tấm với vị trí thuận lợi gần sân ga cáp treo I Yên Tử, mặt bằng rộng, trang trí lịch sự có thể phục vụ các đoàn du khách tới 150 người đi dự lễ hội và tham quan thắng cảnh du lịch Yên Tử. Với các món chay phong phú được chế biến công phu từ nguyên liệu của Việt Nam và nhập khẩu từ nước ngoài, cơm chay Nàng Tấm giới thiệu cho thực khách thưởng thức một nghệ thuật ẩm thực mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc mà lại rất phù hợp với cuộc sống hiện đại.
5. Rượu mơ Yên Tử
Rượu mơ Yên Tử được chế biến hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống dân tộc. Quả mơ sau khi được lựa chọn kỹ càng, rửa sạch, để ráo rồi ướp với đường để tạo men. Rượu cũng được nấu từ loại gạo ngon, thơm. Hai thứ ấy cho chung vào chum sành ngâm thành loại rượu có màu vàng óng ánh, thơm mùi mơ. Rượu có vị ngọt thơm rất dễ uống, dễ sử dụng, đặc biệt vào mùa hè có thể dùng thêm đá khi uống rượu, có công dụng giúp kích thích tiêu hoá, làm đẹp da, mát gan, lợi tiểu. Rượu mơ Yên Tử mang hương vị riêng, để lại dấu ấn trong lòng du khách để mỗi khi đến Yên Tử, du khách có thể thưởng thức hoặc mua làm quà đem về.
* SẢN PHẨM OCOP UÔNG BÍ
Sau một thời gian thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) thành phố Uông Bí đã đạt được kết quả đáng kể. Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm thuộc bốn nhóm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược và dịch vụ. Nhiều sản phẩm OCOP đã trở thành những thương hiệu có tiếng, được người tiêu dùng và thị trường ưa chuộng. Các sản phẩm OCOP đặc trưng đã được đăng ký và xây dựng nhãn hiệu của Thành phố có thể kể đến như: Mai vàng Yên Tử, Rượu mơ Yên Tử, Thanh long ruột đỏ, Vải chín sớm Phương Nam, Tinh dầu trầu tiên Yên Tử, Cao Thiên Đông, Dầu xoa bóp Long Thiên Huyết, nấm linh chi Yên Tử...
* Vải chín sớm Phương Nam
Điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây đã giúp cây vải trồng trên đất Phương Nam có một ưu thế vượt trội: thời điểm thu hoạch sớm hơn so với vải thiều chín vụ từ hai đến ba tuần. Ưu thế chín sớm cộng với mẫu mã sáng, đẹp, vị chua ngọt dịu đặc trưng đã khiến cho quả vải Phương Nam trở thành một nông sản có giá trị trên thị trường và được nhiều du khách lựa chọn mua làm quà.
* Thanh long ruột đỏ
Được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của Thành phố. Giống thanh long Uông Bí có kích thước quả vừa phải, vỏ mỏng bóng đẹp, ruột đỏ, vị ngọt mát, thơm ngon. Thanh long ruột đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, là món quà mới lạ, ngon, bổ dưỡng đối với du khách.
* Mai vàng Yên Tử
Đặc trưng mai vàng Yên Tử là hoa năm cánh, màu vàng tươi sáng và có mùi thơm nhẹ. Hoa rất bền, có thể tươi, đẹp đến 1 tuần và cây hoàn toàn hết hoa trong vòng 2 tháng. Một đặc điểm nổi bật của mai vàng Yên Tử khác với các loại mai khác là chịu được khí hậu lạnh, khắc nghiệt của thời tiết miền Bắc. Cùng với giá trị tâm linh khi sống trên đất Phật đã tạo nên nét riêng cho Mai vàng Yên Tử mà không đâu có được.
* Dầu xoa bóp Trầu tiên Yên Tử
Được chiết xuất từ lá cây trầu một lá Yên Tử (trầu tiên Yên Tử), loại cây mọc ở độ cao từ 700m trở lên, leo bám trên những vách đá ẩm ướt chỉ có duy nhất ở rừng quốc gia Yên Tử. Đặc biệt, việc thu hoạch lá cây trầu một lá chỉ diễn ra trong một thời gian khoảng 2 tháng trong năm. Lá trầu sau khi hái về đem phơi khô để giữ mùi thơm, khi chiết xuất cũng cho ra loại tinh dầu chất lượng. Tinh dầu sau khi chiết được ngâm trong rượu cùng với một số loại thảo dược như địa liền, gừng gió, thiên niên kiện... để cho ra sản phẩm Dầu xoa bóp Trầu tiên Yên Tử. Sản phẩm giúp chữa trị, phòng chống cảm cúm, trúng gió khi thay đổi thời tiết, làm giảm đau nhức xương khớp, thần kinh toạ, thần kinh vai gáy, thần kinh liên sườn.
* PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN TẠI UÔNG BÍ
Thành phố Uông Bí với địa hình chủ yếu là đồi núi ở phía Bắc và đồng bằng ở phía Nam, nằm hoàn toàn trên đất liền, nên hệ thống giao thông chủ yếu là giao thông đường bộ. Các địa điểm du lịch chính của Thành phố do đó cũng được liên kết với nhau bởi hệ thống giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện. Bởi vậy, các phương tiện di chuyển chính của khách du lịch khi đến với thành phố Uông Bí bao gồm: Taxi, xe Bus, xe ôm ...và một lượng nhỏ xe điện (tại khu vực nội vi Yên Tử).
1. Di chuyển bằng taxi
Trên địa bàn thành phố Uông Bí có rất nhiều hãng taxi như: Hãng taxi Phúc Xuyên (0333.666.666), Phú Bình (0333.573.573 ), Mai Linh (0333.567.567).
2. Có hệ thống xe điện
Từ cổng ngoài Yên Tử vào phía trong cáp treo nếu đi bộ du khách sẽ phải đi bộ khoảng một km mới đến khuôn viên cáp treo I, vì vậy để tiết kiệm thời gian cho chuyến hành trình du khách có thể lựa chọn đi xe điện.
3. Với hệ thống cáp treo quy mô về kỹ thuật
Gồm hai tuyến từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên lên chùa Vân Tiêu. Với thiết kế hiện đại, công nghệ nhập khẩu từ Cộng hoà Pháp theo tiêu chuẩn hàng không châu Âu.
Hệ thống cáp treo I với công suất vận chuyển 2.800 lượt khách/1giờ gồm 35 cabin (Cabin ruby), mỗi cabin là 9 chỗ.
Hệ thống cáp treo 2 với công suất vận chuyển 2.200 lượt khách/1giờ gồm 38 cabin (Cabin Radian), mỗi cabin là 6 chỗ.