Vị trí địa lý

Uông Bí nằm cách Thủ đô Hà Nội 130 km, cách thành phố Hải Dương 60 km, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 30 km, cách thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 45 km; có mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy rất thuận tiện cho việc giao lưu, tiêu thụ hàng hóa. Uông Bí nằm trong vùng tam giác động lực phát triển miền Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, do đó rất thuận tiện cho việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt trên địa bàn thị xã có khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp Quốc gia Yên Tử (Kinh đô Phật giáo – Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam), Đình Đền Công; các khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Hang son, Ba Vàng, Chùa Phổ Am và các khu du lịch sinh thái như: Hồ Yên Trung, Lựng Xanh… Đây là những tiềm năng nổi trội, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và du lịch, dịch vụ của Thành phố cũng như của tỉnh Quảng Ninh; Uông Bí có nguồn tài nguyên khoáng sản than rất lớn (khu vực có trữ lượng than lớn nhất Quảng Ninh) đang được khai thác; đây là ngành công nghiệp quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp điện, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các khu công nghiệp tập trung tại Vàng Danh, khu vực phía Nam Quốc lộ 18A, ven Quốc lộ 10 và khu đê Vành Kiệu… Thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Phía Bắc giáp huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang)

Phía Nam giáp huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng)

Phía Đông giáp huyện Hoành Bồ và huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh)

Phía Tây giáp huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh)

Địa hình, địa mạo

Uông Bí nằm trong dải cánh cung Đông Triều – Móng Cái, chạy dài theo hướng Tây – Đông; kiến tạo địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Phía Bắc cao nhất là núi Yên Tử với độ cao 1.068m, núi Bảo Đài cao 875m, phía Nam thấp nhất là vùng bãi bồi, trũng ngập nước ven sông Đá Bạc. Thành phố Uông Bí với 2/3 diện tích là đồi núi dốc nghiêng từ phía Bắc xuống phía Nam và được phân tách thành 3 vùng rõ rệt:

Vùng cao: chiếm 65.04% tổng diện tích tự nhiên của Thành phố, bao gồm các xã Thượng Yên Công, phường Vàng Danh và phần diện tích nằm ở phía Bắc Quốc lộ 18A thuộc các phường Nam Khê, phường Bắc Sơn, Thanh Sơn, Quang Trung, Trưng Vương và xã Phương Đông.

Vùng thung lũng: nằm giữa dãy núi cao phía Bắc và dãy núi thấp phía Nam có địa hình thấp, chạy dọc theo đường 18B từ Nam Mẫu đến Vành Danh thuộc xã Thượng Yên Công và phường Vàng Danh- có diện tích rất nhỏ, chiếm 1,2% diện tích tự nhiên Thành phố.

Vùng Thấp: bao gồm các xã, phường nằm ở phía Nam Quốc lộ 18A như xã Phương Nam, Phương Đông, phường Nam Khê, phường Quang Trung, Trưng Vương, xã Điền Công. Vùng này địa hình bằng phẳng, chủ yếu là các cánh đồng phù sa ven sông có độ dốc cấp I (0÷80) nằm xen giữa các kênh rạch, ruộng canh tác ở độ cao từ 1÷5m so với mặt nước biển  với diện tích 7.700 ha chiếm 26,90% diện tích tự nhiên Thành phố.

Khí hậu

Do vị trí địa lý và địa hình nằm trong cánh cung Đông Triều – Móng Cái, có nhiều dãy núi cao ở phía Bắc và thấp dần xuống phía Nam đã tạo cho Uông Bí một chế độ khí hậu đa dạng, phức tạp vừa mang tính chất khí hậu miền núi vừa mang tính chất khí hậu miền duyên hải.

Dãy núi Bình Hương với độ cao 384 – 358 m nằm giữa vùng núi Yên Tử và núi Bảo Đài đã tạo nên dải thung lũng dài, hẹp và vùng đất thấp làm cho khí hậu Uông Bí phân thành nhiều tiểu vùng khác nhau: vùng núi cao phía Bắc đường 18B có khí hậu miền núi lạnh và mưa vừa; vùng núi cao dọc đường 18B có khí hậu thung lũng, ít mưa, mùa hè nóng, mùa đông lạnh; vùng núi nằm giữa phía Nam đường 18B và phía Bắc đường 18A kéo dài đến hạ lưu sông Đá Bạc có tích chất khí hậu miền duyên hải.

Nhiệt độ trung bình năm là 22,20C. Mùa hè nhiệt độ trung bình 22 – 300C, cao nhất 34 – 360C. Mùa đông nhiệt độ trung bình 17 – 200C, thấp nhất 10 – 120C. Số giờ nắng trung bình mùa hè 6 – 7 giờ/ngày, mùa đông 3 – 4 giờ/ngày, trung bình số ngày nămg trong tháng là 24 ngày.

Tổng lượng mưa trung bình năm là 1.600mm, cao nhất 2.200mm. Mưa thường tập trung vào các tháng 6,7,8 trong năm, chiếm tới 60% lượng mưa cả năm. Lượng mua trung bình giữa các tháng trong năm là 133,3mm, số ngày có mưa trung bình năm là 153 ngày.

Hướng gió chủ đạo trong năm là hướng Đông Nam thổi vào mùa hè và Đông Bắc thổi vào mùa đông. Trong các tháng mùa hè thường chịu ảnh hưởng của mưa bão với sức gió và lượng mưa lớn.

Độ ẩm tương đối trung bình năm là 81%, độ ẩm tương đối thấp nhất trung bình là 50,8. Gió bão: Uông Bí chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió Đông – Nam vào mùa hè và gió Đông – Bắc vào mùa đông.

Cũng như các huyện thị khác ven biển Bắc Bộ, trung bình mỗi năm có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Uông Bí.

Nhìn chung, khí hậu ở khu vực Uông Bí thuận lợi cho phát triển kinh tế, đời sống và môi sinh. Do địa hình khu vực có nhiều dạng khác nhau nên đã tạo ra nhiều vùng khí hậu thích hợp cho phát triển đa dạng sản xuất nông lâm thủy sản và tao ra các tour du lịch cuối tuần khá tốt cho du khách.

Thủy văn

Thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ chật triểu vịnh Bắc Bộ, biên độ giao thông thủy triệu trung bình 0,6m. Thành phố có 3 con sông chảy qua là sông Bá Bạc, Sông Uông, Sông Sinh. Hệ thống sông suối phần lớn là sông nhỏ, diện tích lưu vực hẹp, nguồn nước và lưu lượng không đáng kể.

Sông Đá Bạc đoạn chạy qua Thành phố (thuộc địa phận xã Phương Nam, Phương Đông, phường Quang Trung) chiều dài 12km, rộng trung bình 400m, độ sâu lúc thủy triều lên đảm bảo cho tàu 5.000 tấn và xà lan 400 – 500 tấn ra vào cảng là đường thủy liên tỉnh, tàu bè và thuyền lớn có thể đi lại vận chuyển vật tư, hàng hóa đi Hải Dương, Hải Phòng và ngược lại.

Sông Uông được tiếp nối từ sông Vàng Danh, kết thúc ở phần đất phường Quang Trung, là ranh giới nước ngọt và nước mặn, có đập tràn để lấy nước làm mát cho nhà máy điện Uông Bí. Sông Sinh chạy qua trung tâm Thành phố dài 15km, có khả năng cung cấp nước cho nông nghiệp và nuôi thủy sản.

Uông Bí với địa hình khá phức tạp, rừng bị tàn phá nên mùa mưa gây úng lụt ở các xã, phường phía Nam, mùa khô sông suối bị can kiệt, nước triều lấn sâu vào nội địa làm nhiễm mặn đồng ruộng ở các xã, phường phía Nam, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.

Thành phố có hai hồ: Hồ Yên Trung 50ha và hồ Tân Lập 16ha, hai hồ lớn này cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở các khu vực xung quanh, ngoài ra còn là những địa điểm hấp dẫn khách du lịch tới vui chơi, giải trí.

 


Diện tích tự nhiên

Tổng diện tích đất tự nhiên là 25.630,77 ha. Trong đó đất nội thành là 17.623,5 ha (có 2650,83 ha đất XD đô thị), đất ngoại thị là 8.007,27 ha. Bao gồm:

– Đất ở đô thị: 737,42ha;

– Đất ở nông thôn: 51,61 ha;

– Đất chuyên dùng: 2.831,27 ha;

– Đất tôn giáo, tín ngưỡng: 21,19 ha;

– Đất nghĩa địa, nghĩa trang: 57,18 ha;

– Đất sông suối, mặt nước chuyên dùng: 2.069,79 ha;

– Đất nông nghiệp: 17.620,1 ha;

– Đất chưa sử dụng: 2.242,21 ha.

Dân số

Quy mô dân số: Quy mô dân số của thành phố Uông Bí đến 31/12/2012 là 174.678 người (bao gồm cả dân số thường trú và dân số quy đổi). Trong đó dân số nội thành là 167.049 người, chiếm 95,6% tổng dân số toàn thành phố; dân số ngoại thành là 7.629 người, chiếm 4,4%.